Lượt xem: 351

Giá nhiên liệu tăng, ngư dân huyện Trần Đề vẫn vươn khơi, bám biển

Những tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản, nhưng ngư dân huyện Trần Đề vẫn cố gắng tiếp tục vươn khơi, bám biển, duy trì hoạt động khai thác thủy sản. Các công ty, doanh nghiệp cũng đã ổn định sản xuất trở lại, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc phục hồi kinh tế trong thời kỳ ảnh hưởng của COVID-19.

 


Ra khơi

 

    Huyện Trần Đề có trên 620 tàu, thuyền tham gia đánh bắt thủy hải sản, trong đó có hơn 320 tàu đánh bắt xa bờ. Mặc dù ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng cao, nhưng ngư dân huyện Trần Đề đã có sự chủ động, linh hoạt trong việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản, thông qua đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổ chức liên kết, hỗ trợ nhau khai thác nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm đạt gần 30.000 tấn, tăng 572 tấn so với cùng kỳ.

    Anh Trần Minh Thành - ngư dân thị trấn Trần Đề cho biết: “Ngư dân đánh bắt bây giờ có máy giám sát hành trình hỗ trợ nên thuận lợi nhiều lắm. Hiện tại, cảng cá cũng được nâng cấp nên ghe vô dễ dàng, an toàn. Ngư dân hoạt động giờ nào cũng có tàu vận chuyển. Cứ khoảng 2 đến 3 ngày là có thể đem hải sản khai thác được vào bờ, cho nên mặt hàng luôn  tươi và bán được giá”.

    Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại cảng cá đã bắt nhịp trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng do COVID-19, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 4 tháng đầu năm thực hiện trên 963 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

    Phó Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Huy Long - Hoàng Thế Long, cho biết: “Thời gian qua, COVID-19 cơ bản được khống chế nên công ty bắt đầu sản xuất lại. Từ Tết Nguyên đán 2022 tới thời điểm này, công ty đã tranh thủ sản xuất các đơn hàng còn tồn đọng trong năm 2021. Nguồn hải sản tương đối dồi dào nên chúng tôi chỉ thu mua đảm bảo 50% đơn hàng sử dụng nguyên liệu quanh vùng này”.

    Mặc dù đã có sự chủ động, linh hoạt trong việc khai thác, tuy nhiên hiện nay, giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản, chi phí chuyến đi biển gia tăng, nhất là đội tàu khai thác xa bờ. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến chuỗi khai thác, đánh bắt, bảo quản, chế biến, vận chuyển thủy sản. Điều này cũng đã tạo nên áp lực đến ngư dân khai thác thủy sản và nghề khác có liên quan.

    Để duy trì hoạt động tại cảng cá, thời gian qua, Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề đã  làm tốt công tác quản lý tàu cá trên địa bàn. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động tại cảng. Củng cố, phát triển các tổ liên kết trên biển, khuyến khích các chủ tàu cá ứng dụng các tiến bộ khoa học để nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác. Đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác bất hợp pháp. Cung cấp các bản tin dự báo ngư trường cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân để chủ động thực hiện các biện pháp khai thác phù hợp.


Sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm đạt gần 30.000 tấn, tăng 572 tấn so với cùng kỳ

 

    Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề - Phạm Văn Hứa cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khai thác tốt hoạt động của cảng cá nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu tàu thuyền của ngư dân. Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho ngư dân, doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Về phí đầu tư Cảng cá Trần Đề giai đoạn 2, chúng tôi sẽ sớm phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2 để tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ chính thức đưa vào khai thác hạ tầng để phục vụ tốt cho ngư dân. Về quỹ đất thì chúng tôi phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện các quy hoạch đầu tư sử dụng quỹ đất, cũng như phân khu chức năng để sớm trình phê duyệt; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt dịch vụ hậu cần nghề cá”.

    Giá nhiên liệu tăng cao và lợi nhuận từ nghề biển không còn nhiều như trước, nhưng ngư dân ở huyện Trần Đề vẫn luôn vươn khơi, bám biển. Bởi ngư dân vẫn xem “tàu là nhà, biển cả là quê hương,” vươn khơi không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Văn Sông



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 772
  • Trong tuần: 70,105
  • Tất cả: 11,864,132